Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả?

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả?

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả?

Dù quân đội Ukraine đã tăng sức mạnh nhờ vũ khí hiện đại của phương Tây, một tướng quân đội nước này vẫn phải thừa nhận, hệ thống phòng thủ của Nga gây khó khăn cho quân đội của ông Zelensky.

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả? - 1

Tuyến phòng thủ vững chắc của các lực lượng Nga. Ảnh minh họa: BBC

Theo Business Insider, cuộc phản công chậm chạp của Ukraine, được phát động vào tháng 6, phải “chạy đua” với sự thích nghi của các lực lượng Nga.

“Tôi không đánh giá thấp đối phương”, Oleksandr Tarnavskyi, một tướng phụ trách cuộc phản công của Ukraine nói với phóng viên của hãng tin BBC. Ông Tarnavskyi thừa nhận, hệ thống phòng thủ của Nga khiến quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn khi tiến công.

Thiết bị, công nghệ hiện đại của Nga tạo ra phòng tuyến vững chắc

Theo Business Insider, một trong những rào cản lớn nhất với bước tiến của quân đội Ukraine là việc Nga tăng cường phòng thủ ở chiến tuyến dài gần 1.000km với các bãi mìn, chiến hào và “răng rồng (chướng ngại vật chống xe tăng, làm bằng bê tông, có hình kim tự tháp và cao khoảng 90-120cm).

Để xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc đó, Nga đã áp dụng nhiều thiết bị và công nghệ tiên tiến. Một trong số đó phải kể đến hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye.

Theo báo Nga Sputnik, hệ thống rải mìn Zemledeliye, thuộc biên chế lực lượng công binh Nga, gây ra thách thức đáng kể cho Ukraine trong chiến dịch phản công.

Bằng chứng rõ nhất là ở đợt phản công do Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine thực hiện vào đầu tháng 6 tại khu vực gần làng Malaya Tokmachka. Đơn vị Ukraine này không vượt qua được bãi mìn do hệ thống Zemledeliye rải trước đó. Thậm chí, họ còn nhiều lần cán phải mìn, gây thiệt hại cho 2 xe tăng Leopard và 16 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.

Zemledeliye được biên chế trong quân đội Nga vào ngày 24/6/2020. Hai năm sau, hệ thống này đã được đưa vào sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hệ thống này, có thiết kế giống các hệ thống pháo phản lực thông thường, gồm bệ phóng rocket, được đặt trên khung gầm xe tải KamAZ 8×8.

Zemledeliye được trang bị hai bệ phóng rocket cỡ 122mm, mỗi bệ phóng mang theo tối đa 25 quả đạn. Đạn rocket có tầm bắn 5 – 15km, khi bay tới khu vực cụ thể sẽ phóng ra những quả mìn, gồm mìn chống tăng và mìn chống bộ binh.

Zemledeliye còn được tích hợp máy tính hiện đại, cho phép tính toán quỹ đạo và số lượng mìn cần thiết để rải trong một phạm vi nhất định. Tất cả dữ liệu về bãi mìn đều được truyền tải tới sở chỉ huy Nga để các đơn vị chiến đấu nắm rõ.

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả? - 2

Hệ thống rải mìn Zemledeliye của Nga. Ảnh: Military Leak

Ngoài ra, hệ thống rải mìn này sử dụng 2 loại mìn có cơ chế hoạt động thông minh là mìn chống tăng PTM-3 và mìn chống bộ binh POM-3 – thường được các binh sĩ Ukraine nhắc đến là loại mìn nguy hiểm nhất của Nga.

Đây là các loại mìn sử dụng dù để tiếp đất. Khi tiếp cận mặt đất, mìn sẽ tự động đào sâu để chôn giấu, phát nổ khi có mục tiêu đến gần hoặc bị phương tiện di chuyển của đối phương chèn qua. Nếu rơi xuống khu vực có nền đất cứng, 6 chân lò xo sẽ được kích hoạt, đặt quả mìn ở vị trí thẳng đứng.

Mìn có thể tự hủy bằng cách đặt hẹn giờ và được kích hoạt từ xa. Cơ chế này giúp làm giảm nguy cơ vẫn còn mìn chưa nổ sót lại và dọn đường để đồng đội tiến công.

“Những quả mìn như POM-3 có mức sát thương rất cao và không thể gỡ được”, Aleksandr Slyusar, lính công binh Ukraine, nói. “Chúng tôi phá hủy mìn bằng cách sử dụng chất nổ hoặc bắn súng trường Kalashnikov vào chúng ở khoảng cách an toàn”.

Phương pháp phá hủy mìn chủ yếu là sử dụng đầu dò bằng kim loại để phát hiện vị trí có mìn và sau đó dùng ngòi nổ được kích hoạt sau 90 giây để loại bỏ những quả mìn trong phạm vi ảnh hưởng.

Không chỉ các lực lượng Nga biết sử dụng bẫy mìn, quân đội Ukraine cũng giăng sẵn các loại bẫy kiểu này.

Theo Eurasian Times, trong cuộc xung đột ở Ukraine, Kiev được cho là đã triển khai rocket phóng ra mìn chống tăng và các loại mìn chứa ngòi nổ cận đích có khả năng tự động kích nổ khi binh sĩ hoặc xe tăng, xe bọc thép chở quân tới gần.

Không ít xe tăng Nga bị vô hiệu hóa và kíp lái buộc phải bỏ xe khi dính phải bãi mìn của Ukraine. Để khắc phục tình trạng đó, quân đội Nga sử dụng phiên bản nâng cấp của phương tiện rà phá bom mìn Listva.

Xe rà phá bom mìn Listva phiên bản nâng cấp sử dụng module quét diện rộng để tìm chất nổ. Ở chế độ rà mìn, xe di chuyển với tốc độ 15 km/h, tìm kiếm chất nổ ở khoảng cách 100 mét. Phạm vi phá mìn hiệu quả là 50 mét. Phương tiện này có thể tạo ra xung điện bắt chước điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác để đánh lừa mìn đối phương.

Khi di chuyển ở khu vực có nguy cơ cao, Listva phát ra tín hiệu vi sóng cường độ cao khiến mìn tự động kích nổ. Khi bẫy mìn được giải quyết, các binh sĩ Nga sẽ rời xe bọc thép và triển khai đội hình chiến đấu.

Quân đội Nga còn cải tiến trực thăng Ka-52 có thể bắn được tên lửa chống tăng mới, gây bất ngờ cho Ukraine.

Cuối tháng 7, trong bối cảnh Ukraine tiếp tục chiến dịch phản công ở tỉnh Zaporizhzhia, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất của Nga tại khu vực này là trực thăng tấn công Ka-52.

Nga được cho là đã tung vào chiến trường phiên bản trực thăng Ka-52M đời mới, được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thu được ở Syria.

“Tên lửa Dẫn đường Đa nhiệm Hạng nhẹ (LMUR) có tầm bắn khoảng 15km, giúp phi công lái trực thăng Ka-52 có thêm lựa chọn để tấn công mục tiêu tăng thiết giáp Ukraine”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả? - 3

Một chiếc trực thăng Ka-52. Ảnh: Eurasian Times

Theo nhận định của tạp chí Forbes, năng lực tấn công của trực thăng Nga gia tăng đáng kể nhờ mẫu tên lửa chống tăng mới. Trước đây, các trực thăng Ka-52 sử dụng tên lửa Vikhr hoặc ATAKA với cơ chế dẫn đường bằng laser, tầm bắn lần lượt 10km và 6km. Nhưng chúng gây rủi ro lớn khi trực thăng Ka-52 phải đứng yên để phi công dẫn đường cho tên lửa đánh trúng mục tiêu. Trong quá trình đó, trực thăng có thể trúng tên lửa phòng không của đối phương.

Với LMUR, phi công Nga không cần lo lắng về điều này vì LMUR có cơ chế kết hợp giữa dẫn đường tầm nhiệt và vệ tinh. Trong giao tranh tầm xa, phi công phóng tên lửa về phía tọa độ mục tiêu mà vệ tinh cung cấp, tên lửa sau đó sẽ chuyển sang dò hình ảnh nhiệt và tự động khóa mục tiêu. Phương thức chiến đấu này giúp phá hủy mục tiêu mà các phi công Nga không cần quan sát.

Tên lửa LMUR còn có chế độ bắn trực tiếp, trong đó phi công Nga khóa mục tiêu và nhấn nút khai hỏa, theo Forbes. Nga cũng trang bị cho LMUR tính năng truyền dữ liệu 2 chiều, cung cấp hình ảnh cuối cùng ngay trước khi tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Vài tháng gần đây, Ukraine tiếp tục triển khai xuồng không người lái tấn công tàu, cầu Crimea và các căn cứ hải quân của Nga. Để đối phó, Nga được cho là đã phát triển một số vũ khí, trong đó có xuồng không người lái điều khiển từ xa GRK-700 Vizir.

GRK-700 Vizir được giới thiệu tại diễn đàn quân sự Armiya-2023. Theo truyền thông Nga, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu đáy biển, GRK-700 Vizir có thể được sử dụng vào mục đích quân sự như một chiếc xuồng đa năng, có thể chở hàng hoặc “săn lùng” xuồng không người lái (USV) của đối phương.

Theo thông tin từ phía Nga, GRK-700 Vizir được sản xuất “hoàn toàn bằng thiết bị nội địa”. Đáng chú ý, nếu mất kết nối, xuồng có thể tự động trở về căn cứ nhờ vào các thuật toán. Để đánh chặn USV, GRK-700 Vizir được trang bị súng máy cỡ lớn và tên lửa.

Quân đội Nga thích nghi nhanh

Theo Business Insider, không chỉ có các phòng tuyến kiên cố, dày đặc mới giúp Nga trong chiến lược phòng thủ. Các binh sĩ Nga đã thích nghi nhanh với chiến thuật của Ukraine sau khi quân đội Ukraine gia tăng sức mạnh đáng kể nhờ vũ khí tầm xa của phương Tây.

Theo một bài viết gần đây của RUSI, binh sĩ Nga đã di chuyển các trụ sở và địa điểm hậu cần khỏi tầm bắn của các tên lửa thông minh cũng như tên lửa Storm Shadow (Anh sản xuất) của Ukraine.

Các lực lượng Nga cũng thiết lập các hệ thống phòng không lớn cách mặt trận khoảng 10km để bắn hạ bất kỳ tên lửa hoặc UAV nào của Ukraine bay tới.

Hơn hết, Nga đã thực hiện một chiến dịch tác chiến điện tử hiệu quả để đối phó với Ukraine, liên quan đến việc gây nhiễu UAV của Kiev, Steve Wright, chuyên gia và nhà phát triển công nghệ UAV, nói trên Insider.

“Nga triển khai kỹ thuật gây nhiễu rất nhiều. Họ gây nhiễu tín hiệu GPS, phát ra tiếng ồn trên cùng tần số mà các vệ tinh GPS hoạt động để khiến UAV của Ukraine mất phương hướng”, Wright nói. “Xét ở một mức độ nào đó, điều này thực sự giúp ngăn chặn được các UAV của đối phương”.

Theo RUSI, Ukraine bị vô hiệu hóa khoảng 10.000 UAV/tháng.

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả? - 4

Một thiết bị tác chiến điện tử của các lực lượng Nga. Ảnh: TASS

Kỹ thuật gây nhiễu của Nga cũng làm giảm độ chính xác của các loại vũ khí thông minh do Mỹ cung cấp cho Ukraine, trong đó có bom thông minh JDAM hay “hỏa thần” HIMARS, Business Insider dẫn nguồn từ tài liệu rò rỉ của Lầu Năm Góc. Các binh sĩ Nga cũng cản trở liên lạc vô tuyến và các hoạt động của UAV Ukraine.

Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại RUSI, nói trên Newsweek rằng, UAV Beaver của Ukraine dường như rất dễ bị các hệ thống phòng thủ điện tử của Nga tấn công.

Lewis, một chuyên gia khác của RUSI, cho rằng: “Dù Ukraine có thể tiếp cận công nghệ hiện đại từ các đối tác phương Tây và áp dụng nhiều cách sáng tạo trong chiến đấu, Nga vẫn thích nghi nhanh với các mối đe dọa từ công nghệ mới hoặc các chiến thuật mới của Ukraine, nhanh chóng loại bỏ hiệu quả lợi thế ngắn ngủi mà vũ khí hiện đại của phương Tây mang lại cho Ukraine”.

Nguồn cung vũ khí ổn định, chiến thuật kết hợp vũ khí khéo léo

Nga dường như không chậm trễ trong việc sản xuất vũ khí, Business Insider đưa tin.

Lewis, chuyên gia của RUSI, cho biết, “Nga có thể tăng cường sản xuất công nghiệp quân sự đủ để duy trì nguồn cung cho các lực lượng quân đội” và duy trì tấn công bằng tên lửa, bất chấp việc các đơn vị Nga phàn nàn về việc thiếu nguồn cung.

Theo tờ Ukrainska Pravda, Vadym Skibitskyi, Phó Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine, ngày 10/9, cho biết, Nga đang ngày càng thích ứng với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, .

“Nền kinh tế Nga đã chuyển sang trạng thái thích ứng với xung đột. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí, bao gồm vũ khí công nghệ cao”, ông Skibitskyi nói. “Chúng tôi nhận thấy các vũ khí mới được Nga sản xuất, được chuyển cho quân đội và được sử dụng trong xung đột, đặc biệt là trong giao tranh kể từ tháng 5”.

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, thừa nhận với hãng tin AP vào tháng 6 rằng, dù quân đội Ukraine có sự chuẩn bị tốt cho cuộc phản công, “vẫn sẽ có các giao tranh qua lại giữa quân đội 2 bên trong thời gian dài”.

Một số chuyên gia khác từng nói với Business Insider rằng họ cho rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ còn kéo dài, thậm chí trong nhiều năm.

Jaroslava Barbieri, chuyên gia nghiên cứu về nước Nga và các quốc gia hậu Xô Viết, làm việc tại Đại học Birmingham (Anh), cho rằng, nếu Ukraine không giành được bước tiến lớn, tạo đột phá, nhiều khả năng phương Tây sẽ gây áp lực, buộc Kiev phải đàm phán với Moscow. Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về ý kiến của chuyên gia Barbieri.

Ngày 19/9, Reuters dẫn thông tin từ ông Bekhan Ozdoev, hiện là Giám đốc công nghiệp của Tập đoàn Rostec – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Nga – cho biết, số lượng nhiều loại vũ khí được sản xuất đã tăng từ 2 – 10 lần.

“Chúng tôi đang tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt”, ông Ozdoev nói, đồng thời tiết lộ đã có sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất các loại vũ khí phục vụ cho chiến dịch ở Ukraine như xe tăng, xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, lựu pháo, tên lửa Iskander, tên lửa siêu thanh Kinzhal…

Ukraine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả? - 5

Số lượng nhiều loại vũ khí được sản xuất đã tăng từ 2 – 10 lần để phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngoài nguồn cung vũ khí ổn định, chiến thuật kết hợp vũ khí khéo léo của Nga cũng giúp họ củng cố hệ thống phòng thủ.

Theo Eurasian Times, có thể thấy sự biến hóa của chiến thuật qua việc lực lượng mặt đất của Nga điều chỉnh cuộc chiến phản pháo của họ.

Cuộc chiến phản pháo liên quan đến đến việc tiêu diệt hệ thống pháo binh của đối phương ngay lập tức sau cuộc tấn công của đối phương. Các phương tiện kỹ thuật cao như radar được sử dụng để phân tích nơi mà hỏa lực được bắn tới. Dữ liệu về vị trí như tọa độ được chuyển đến các đơn vị pháo binh để mau chóng pháo kích vào các vị trí đó trong khi đối phương còn đang pháo kích hoặc trước khi đối phương di chuyển khỏi vị trí vừa bắn.

Điều thú vị là các lực lượng Nga thực hiện phản pháo bằng các UAV tự sát Lancet. Loại vũ khí này giúp giảm tải gánh nặng cho công tác hậu cần (không cần vận chuyển nhiều đạn pháo).

Việc sử dụng UAV Lancet cho nhiệm vụ phản pháo đồng nghĩa với việc tiêu thụ ít hơn số đạn pháo, vừa giảm gánh nặng hậu cần, vừa giúp tiết kiệm đạn pháo cho các mục tiêu khác.

Ngoài UAV Lancet, các lực lượng Nga còn sử dụng cả pháo lớn cho hoạt động phản pháo. Điều này không có nghĩa là pháo lớn sẽ thay thế hoàn toàn các UAV Lancet, mà sẽ là kết hợp cả hai. UAV tự sát sẽ hạn chế khả năng di chuyển của quân đội đối phương, đóng vai trò là yếu tố gây khó chịu lớn. Trong khi đó, chỉ có những quả đạn pháo với lực nổ lớn mới có thể đánh tan các khối đội hình lớn của Ukraine.

————————

Ở chiến trường Ukraine, chỉ một hành động nhỏ như bật nguồn điện thoại di động có thể khiến binh sĩ và cả đơn vị bỏ mạng ngay trước khi họ kịp sử dụng điện thoại. Để làm được điều này, đối phương phải sử dụng một “vũ khí giấu mặt”. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng ngày 2/10 để hiểu hơn về “vũ khí giấu mặt” này (Do ưu tiên một số tin bài thời sự, bài kỳ 3 sẽ được chuyển xuống đăng vào lúc 19h ngày 2/10).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *